Thực hiện Nghị quyết 09 của BCH Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 586 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, sau 01 năm triển khai, thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Thanh Chương đã đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.
Là một trong những siêu thị lớn, chuyên kinh doanh, buôn bán các loại sữa, bánh kẹo và hàng gia dụng, thực hiện chủ trương chuyển đổi số của UBND huyện Thanh Chương, siêu thị Trung Vân đã đăng ký thực hiện chủ trương việc thanh toán không bằng tiền mặt thông qua quét mã QR trên máy tính và điện thoại thông minh. Đây là cách làm được khách hàng đánh giá cao bởi phương thức này góp phần giúp cho quá trình thanh toán trở nên thuận tiện, an toàn, nhanh chóng và chính xác hơn. Siêu thị không phải lo lắng về vấn đề tiền giả trong giao dịch. Chị Trịnh Thị Hà - Nhân viên thu ngân siêu thị Trung Vân, huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết: Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, siêu thị của chúng tôi đã thực hiện việc thanh toán không bằng tiền mặt. Qua thực tế cho thấy, hiện nay cơ bản người dân đều thanh toán bằng hình thức này.
Điện lực Thanh Chương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh.
Xác định được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp, thời gian qua, Điện lực Thanh Chương đã đẩy mạnh “số hóa” toàn diện công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, từ đó nâng cao hiệu suất lao động và mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng. Cụ thể, đơn vị đã áp dụng hệ thống văn phòng điện tử trong công tác văn thư (phần mềm Doffice), thu tiền không dùng tiền mặt, xây dựng cơ sở thu thập dữ liệu khách hàng qua Zalo. Trong công tác quản lý kỹ thuật vận hành điều khiển xa, tự động, đơn vị cũng tích cực ứng dụng các phần mềm như: Pmis, phần mềm số hóa trong quản lý vận hành, kết nối thao tác xa các máy cắt Recloser trên lưới điện, quản lý vận hành MBA, sửa chữa điện trung hạ áp không cắt điện bằng công nghệ Hotline… Trong đó chú trọng đến việc thanh toán tiền điện không bằng tiền mặt. Qua thời gian triển khai thực hiện đến nay, tổng số khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt là 65.000 khách hàng. Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Điện lực Thanh Chương cho biết thêm: Thời gian qua ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, Điện lực Thanh Chương còn phối hợp với các Ngân hàng để tổ chức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Tính đến nay, tổng số khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 80%.




Các cơ quan đơn vị đều đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn.
Sau 1 năm thực hiện công tác chuyển đổi số đến nay, 100% thôn, xóm, bản trên địa bàn huyện Thanh Chương đã được phủ sóng Interner 3G/4G và Internet cáp quang. Tổng số thuê bao di động trên địa bàn đạt trên 163.600 thuê bao. Tổng số hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng là hơn 27.200 hộ chiếm gần 50%. Triển khai sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành VNPT Ioffice. Tỷ lệ văn bản được lãnh đạo phê duyệt và xử lý trên phần mềm đạt 96,56%. Thực hiện tốt việc ký số trong ban hành văn bản. Tỷ lệ văn bản đi được ký số ban hành văn bản đạt 100%. Thực hiện tốt tiếp nhận và giải quyết TTHC trên cổng dịch vụ công trực tuyến: Tỷ lệ hồ sơ và trả kết quả trước thời hạn đạt 91,5%. Thanh Chương luôn đứng thứ nhất hoặc 2 toàn tỉnh về dịch vụ công trực tuyện. 100% cơn quan, đơn vị sự nghiệp đã thực hiện chỉ trả lương qua tài khoản. Ngoài ra huyện còn triển khai thí điểm phần mềm “Tương tác số Thanh Chương” đến tận các xã thị trấn, tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp được biết....Có thể nói, sau 1 năm triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực và được Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao. Tuy nhiên, để phát huy cao hơn nữa những kết quả đã đạt được, thời gian tới UBND huyện yêu cầu, các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương cần tập trung thực hiện tốt các nội dung trọng tâm. Ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, nói: Thanh Chương vẫn xác định 3 trụ cột của công tác chuyển đổi số đó là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Vì vậy thời gian tới chúng tôi tiếp tục quan tâm đến 3 yếu tố về con người, hạ tầng số và nguồn lực phục vụ cho công tác chuyển đổi số. Đây là 3 yếu tố quyết định đến việc nâng cao chất lượng và công tác chuyển đổi số….


Để thực hiện có hiệu quả cao nhất kế hoạch chuyển đổi số và mục tiêu theo Nghị quyết số 09 của tỉnh uỷ đề ra, Thanh Chương đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số. Tin rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thì công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện thời gian tới sẽ đạt được nhiều kết quả cao hơn nữa./.
Lan Anh – Trung tâm VHTT&TT huyện